Chính quyền số là một trong 3 trụ cột chính, đóng vai trò quan trọng trong việc định hình và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số (CĐS). Xây dựng chính quyền số thành công mang lại nhiều lợi ích cho cơ quan quản lý, người dân và toàn xã hội.
Đoàn viên, thanh niên các sở, ngành hỗ trợ người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến tại Trung tâm Hành chính công tỉnh. |
Các cấp chính quyền từ tỉnh đến xã đang triển khai nhiều giải pháp để xây dựng chính quyền số. Song, cần nỗ lực, đầu tư rất nhiều trên lĩnh vực này bởi có không ít khó khăn.
* Không quyết tâm thì không làm được
Tháng 3-2022, Đồng Nai triển khai thí điểm CĐS cấp xã ở 3 xã: Long Phước (H.Long Thành), Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu) và Bảo Hòa (H.Xuân Lộc). Cả 3 xã này đều có doanh nghiệp công nghệ thông tin - viễn thông đồng hành hỗ trợ.
Giám đốc Sở TT-TT Tạ Quang Trường cho hay, đến nay cơ quan chức năng đánh giá về chỉ tiêu hạ tầng số ở 3 xã trên đạt 50%; hoạt động chính quyền số đạt 30% và hoạt động kinh tế số mới đạt 10%.
Trong đó, các tiêu chí trong hoạt động chính quyền số gồm: nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ công chức về CĐS; hệ thống quản lý văn bản điều hành công việc; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; kênh giao tiếp giữa chính quyền và người dân; hệ thống công nghệ thông tin quản lý dịch vụ công thiết yếu như: y tế, giáo dục.
“Dựa vào khung tiêu chí định hướng của Bộ TT-TT giai đoạn 2023-2025, chúng tôi đánh giá công tác CĐS ở 3 xã thí điểm mới dừng lại ở mức độ khởi động và cơ bản” - ông Tạ Quang Trường nói.
Chính quyền số là tất cả những hoạt động của các cơ quan chính quyền tại các cấp, địa phương sẽ ứng dụng công nghệ thông tin để vận hành, từ đó giảm tối đa chi phí, tăng tương tác với người dân hoặc có thể cung ứng các dịch vụ theo hình thức trực tuyến, thúc đẩy các hoạt động diễn ra nhanh nhạy, hiệu quả hơn, tạo động lực giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ. |
Ở cấp huyện, bằng sự quyết tâm của người đứng đầu, sự nỗ lực, quyết liệt trong triển khai các hoạt động CĐS, đến nay H.Long Thành đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong xây dựng chính quyền số.
Theo Ủy viên Ban TVTU, Bí thư Huyện ủy Long Thành Dương Minh Dũng, đến nay 100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện đến xã đã khai thác, sử dụng hiệu quả phần mềm một cửa điện tử của tỉnh, phần mềm quản lý văn bản. 100% lãnh đạo huyện, các phòng, ban chuyên môn của huyện và lãnh đạo các xã, thị trấn được cấp chứng thư số chuyên dùng; được hướng dẫn thực hiện ký số trên phần mềm quản lý văn bản và gửi - nhận trên môi trường điện tử theo trục liên thông tỉnh.
Ngoài ra, hoạt động số hóa hồ sơ, tài liệu trên phần mềm một cửa điện tử được thực hiện xuyên suốt. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai, kết nối từ huyện đến 4 điểm cầu cấp xã là: An Phước, Bình Sơn, Phước Thái và TT.Long Thành. Các lực lượng chức năng của huyện, xã thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân tạo tài khoản sử dụng dịch vụ công trực tuyến giúp người dân giải quyết nhanh, hiệu quả các thủ tục hành chính cần thiết…
* Phát triển hạ tầng, dữ liệu, nền tảng số
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cho biết, để xây dựng chính quyền số, tỉnh đang tập trung phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, nền tảng số. Trong đó, hạ tầng viễn thông cố định, hạ tầng viễn thông di động, hạ tầng internet băng thông rộng đã được phủ tới 100% các xã/phường, huyện/thành phố.
Theo thống kê, có khoảng 86% dân số trưởng thành có điện thoại di động thông minh. Đây là yếu tố thuận lợi để thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính qua mạng.
Ngoài các cơ sở dữ liệu đã được hình thành, đang hoàn thiện, tỉnh đã triển khai Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh Đồng Nai kết nối, tích hợp chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Trung tâm Giám sát và điều hành thông minh (IOC) tỉnh Đồng Nai.
Hệ thống quản lý văn bản của tỉnh được kết nối với hệ thống quản lý văn bản của Văn phòng Chính phủ. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh được kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, IOC TP.Biên Hòa đã đạt được một số chuyển biến tích cực, đem lại nhiều tiện ích cho cấp quản lý và người dân.
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh cho biết, IOC của thành phố đã và đang tổng hợp, phân tích dữ liệu của các ngành; sau đó hiển thị lên biểu đồ, tạo thành các luồng dữ liệu có tính thời sự, giúp lãnh đạo thành phố theo dõi được các chỉ số quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội. Từ các dữ liệu này, lãnh đạo thành phố có phương án chỉ đạo hợp lý với từng lĩnh vực và phân tích, thống kê, đưa ra những chỉ đạo chung kịp thời.
Một số phân hệ hữu ích mà IOC TP.Biên Hòa mang lại như: tích hợp tín hiệu camera phục vụ cho việc giám sát, điều hành về an ninh trật tự, an toàn giao thông; tương tác, giao tiếp phục vụ người dân qua Tổng đài 1022 và phân hệ phản ánh hiện trường.
TP.Biên Hòa đang tập trung hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa (theo dõi hoạt động, định vị cơ sở kinh doanh, mức độ vi phạm của cơ sở kinh doanh để đội kiểm tra liên ngành tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm). Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành GD-ĐT để quản lý giáo viên, học sinh, xây dựng trường lớp, đảm bảo chất lượng dạy và học. Trên lĩnh vực LĐ-TBXH, tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý, theo dõi chống trùng, chi sai đối tượng được hưởng các chế độ chính sách…
Anh Lưu Quang Trung (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) chia sẻ, anh thường xuyên truy cập ứng dụng Biên Hòa SmartCity, bởi ứng dụng này có nhiều tiện ích như: thông tin tuyển dụng, tin tức, dịch vụ công, danh bạ khẩn cấp, tìm kiếm địa điểm, du lịch, giao thông, giáo dục, y tế, môi trường, an sinh xã hội, kinh tế, đất đai, CĐS…
“Điều tôi tâm đắc nhất là ứng dụng này có mục Phản ánh kiến nghị. Người dân khi có vấn đề cần kiến nghị với các cấp lãnh đạo của thành phố thì vào mục này gửi thông tin. Tôi nhận thấy có nhiều kiến nghị của người dân liên quan đến vấn đề ngập nước, giao thông, ô nhiễm môi trường, xây dựng không phép đã được xử lý” - anh Trung nói.
Giám đốc Sở TT-TT TẠ QUANG TRƯỜNG:
Cần khẩn trương thay đổi hệ thống thông tin báo cáo
Hệ thống thông tin báo cáo cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng chính quyền số. Hiện nay, tỉnh đã thuê các phần mềm liên quan nhưng còn nhiều cơ quan, đơn vị vẫn dùng phương thức truyền thống là báo cáo giấy. Nếu không quyết tâm thay đổi thì mãi mãi không thể CĐS thành công, tỉnh lại tiếp tục tốn tiền để thuê phần mềm khác hoặc đã thuê phần mềm cũ mà không sử dụng hiệu quả. Có thay đổi được phương thức hoạt động thông tin báo cáo mới nói đến IOC, phân tích dữ liệu.
Để xây dựng chính quyền số nói riêng và CĐS nói chung ở cấp xã thành công, cần xác định đúng các mục tiêu ưu tiên để đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, cần nâng cao nhận thức số, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu. Đảm bảo nhân lực phục vụ CĐS. Tập trung đạt các chỉ tiêu CĐS ở mức cơ bản.
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa NGUYỄN XUÂN THANH:
Còn nhiều khó khăn về hạ tầng số
TP.Biên Hòa hiện gặp khó khăn trong việc cải tiến và nâng cấp hệ thống thông tin, thiết bị cũ sao cho phù hợp với yêu cầu của quá trình CĐS. Đây là quá trình phức tạp, đòi hỏi đầu tư thời gian và tài chính đáng kể để đảm bảo tính tương thích và an toàn của thiết bị CNTT trong việc quản lý thông tin và dữ liệu. Trong đó, về hạ tầng kỹ thuật, đa số hạ tầng mạng tại các đơn vị trực thuộc TP.Biên Hòa đã được thiết lập từ rất lâu và dễ hư hỏng. Để đảm bảo việc triển khai các dịch vụ công và ứng dụng số hiệu quả, cần hạ tầng mạng ổn định và đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về kết nối và truy cập dịch vụ số.